Không phủ nhận nhiều công ty dịch vụ bảo vệ đang góp phần vào việc giữ gìn trật tự xã hội chung, nhưng cũng có không ít công ty khiến người dân lo ngại do công tác quản lý, đào tạo không tốt.
Bằng chứng là dư luận đang bức xúc về vụ giám đốc một công ty dịch vụ bảo vệ ở Q.Tân Bình (TP.HCM) nổ súng thị uy người dân.
Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC64) Công an TP.HCM, các quy định tuyển dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ (DVBV) hoặc sử dụng công cụ hỗ trợ rất khắt khe, như tuyển dụng nhân viên DVBV phải có lý lịch rõ ràng, được chính quyền địa phương xác nhận, có giấy khám sức khỏe, có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên, chỉ sử dụng nhân viên đã được đào tạo và được cấp giấy chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ... Tuy nhiên, thực tế ở các công ty DVBV không hẳn như vậy.
Chỉ cần có CMND
Trong vai người cần tìm việc bảo vệ thời vụ, PV Thanh Niên được hầu hết các công ty DVBV tuyển chọn cho đi làm nhanh đến bất ngờ. Chiều 7.12, PV liên lạc qua điện thoại đến một số công ty DVBV tại TP.HCM đang cần tuyển người và hầu hết nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Cầm CMND qua công ty làm hồ sơ và sẽ bố trí đi làm ngay”.
Theo hướng dẫn, PV có mặt tại văn phòng Công ty DVBV T.N (P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Vừa thấy người tới xin việc, cô nhân viên hỏi: “Anh đã liên lạc với anh T. (giám đốc công ty - PV) chưa? Anh định làm ở đâu?”. Sau đó, nhân viên này yêu cầu PV đưa CMND rồi liên lạc với ông T. “Anh làm việc tại một cửa hàng điện máy tại Q.Thủ Đức. Làm ca 13 tiếng, lương 4,8 triệu đồng/tháng. Đồng phục bảo vệ công ty sẽ phát 2 bộ với giá 500.000 đồng. Tiền này anh trả liền hoặc sẽ trừ vào lương”, nhân viên này thông báo ngắn gọn sau cuộc điện thoại, rồi chuyển CMND của người xin việc cho người kế bên để làm hợp đồng và giấy cam kết.
Khoảng 10 phút sau, nhân viên tại đây đưa ra một bản hợp đồng lao động, hai bản cam kết trách nhiệm cá nhân và hướng dẫn: “Anh cứ ký vào đây rồi lãnh quần áo, mai anh chạy thẳng qua chỗ làm luôn khỏi cần lên công ty nữa”. Khi PV thắc mắc về công việc cụ thể tại cửa hàng điện máy phải làm gì, có được đưa đào tạo, hoặc cung cấp thêm hồ sơ gì nữa không, nhân viên này khẳng định: “Anh là nhân viên thời vụ nên không cần đào tạo. Anh cung cấp CMND cho công ty là đủ rồi, ký hợp đồng xong, mai qua làm luôn, công việc là giữ và sắp xếp xe máy cho khách”.
Phương tại trụ sở công an Ảnh: Nguyên Bảo
Tương tự, tại văn phòng Công ty TNHH DVBV T.L (P.Linh Tây, Q.Thủ Đức), nhân viên cũng hướng dẫn: “Anh đưa CMND, đóng 350.000 đồng tiền đồng phục, mai trở lại đây sẽ có người bố trí đi làm”. Trả lời câu hỏi có cần đào tạo, huấn luyện trước khi làm việc không, nhân viên này nói: “Công việc ở đây làm bảo vệ tại các nhà máy, chung cư lương trên 5 triệu đồng/tháng. Ký hợp đồng đi làm liền, khỏi phải cung cấp hồ sơ cá nhân như mấy chỗ khác và khỏi phải đi đào tạo mất thời gian lắm. Đến nơi làm sẽ có người hướng dẫn thêm, tùy vào công việc cụ thể”.
Trò chuyện với PV, anh Nguyễn Văn Tiến, nhân viên công ty DVBV có hơn 1 năm làm bảo vệ tại công ty C. (Q.Tân Phú), cho biết sau khi ký hợp đồng với công ty, anh được nhận đồng phục bảo vệ (quần, áo, mũ, bảng tên) và đi làm luôn, không qua đào tạo. “Đến nơi làm, tùy vào tính chất công việc sẽ có người hướng dẫn ban đầu”, Tiến nói.
Trong khi đó, Thông tư 45/2009/TT-BCA của Bộ Công an quy định, nhân viên bảo vệ phải qua đào tạo và được cấp chứng nhận trước khi đi làm. Mỗi khóa đào tạo phải bảo đảm thời gian ít nhất 30 ngày; giáo trình, nội dung chương trình đào tạo trước khi đưa vào sử dụng phải được gửi về Tổng cục Cảnh sát (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để theo dõi, quản lý; nội dung, chương trình đào tạo bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu thực tế của hoạt động DVBV, trong đó phải có các nội dung: kiến thức cơ bản về chính trị, pháp luật; đạo đức, tác phong nghề nghiệp; kỹ năng, nghiệp vụ bảo vệ; các quy định về quản lý, sử dụng và kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ; các kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy, cấp cứu người bị nạn.
Một bảo vệ cầm côn nhị khúc tấn công cư dân chung cư 4S...
Xô xát, ẩu đả
Chính vì tuyển dụng sai quy trình, nhân viên không được đào tạo... dẫn đến thời gian qua xảy ra không ít trường hợp nhân viên DVBV vi phạm pháp luật. Điển hình, TAND Q.Thủ Đức chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án cố ý gây thương tích xảy ra tại chung cư 4S Riverside Garden (đường 17, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) vào cuối năm 2015. Do tranh chấp giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư, với các bị cáo Quách Minh Thắng (23 tuổi) và Vi Thế Sơn (22 tuổi) là hai trong số các nhân viên thuộc công ty DVBV (đóng trên địa bàn Q.12) được điều đến tham gia giải quyết tranh chấp, đã xô xát với cư dân ở đây. Cả hai cùng nhóm bảo vệ khác dùng hung khí tấn công các cư dân, làm ông Phan Thế Tú bị gãy xương sườn, chấn thương sọ não. Sau đó, Công an Q.Thủ Đức bắt khẩn cấp Thắng, Sơn. Đáng chú ý, qua xác minh, Thắng, Sơn đều có tiền án về tội trộm cắp tài sản và cố ý gây thương tích. Xét nghiệm nhanh, cả hai người này đều dương tính với chất ma túy.
Còn vụ ông Bùi Đức Phương, Giám đốc Công ty TNHH DVBV An Ninh Việt - Nhật (trụ sở số 51/26A Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình) sử dụng công cụ hỗ trợ uy hiếp bà N.T.T (45 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) vào chiều 5.12 chỉ là giọt nước tràn ly. “Việc Công ty DVBV An Ninh Việt - Nhật tuyển dụng anh B.H.P (18 tuổi, từng làm ở đây nhưng đã nghỉ việc cách đây 2 tháng) - con của bà N.T.T, làm việc theo kiểu “thời vụ”, chưa qua lớp đào tạo và chưa được cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ là không đúng quy định. Đây là lỗi vi phạm mà nhiều công ty DVBV thường mắc phải”, một cán bộ của Công an TP.HCM nhận định.
Theo số liệu thống kê của PC64, hiện trên địa bàn thành phố có 398 công ty DVBV. Năm 2016, PC64 đã lập hồ sơ xử lý 37 trường hợp vi phạm chủ yếu các trường hợp như sử dụng nhân viên chưa qua đào tạo, chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ, tuyển dụng bảo vệ không đúng tiêu chuẩn, quy định... Trong đó, tước giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự của 32 công ty DVBV, thời hạn tước từ 2 - 3 tháng.
Nguồn: báo Thanh Niên