VAI TRÒ VÀ NHIỆM VỤ CỦA LỰC LƯỢNG BẢO VỆ

LÀM CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN PCCC TẠI CƠ SỞ

 

1.  Nghiên cứu đề xuất thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp về các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.

Để duy trì công tác đảm bảo an toàn PCCC tại mục tiêu doanh nghiệp lực lượng bảo vệ có trách nhiệm đề xuất với chủ quản:

-  Ban hành nội quy, quy định an toàn về PCCC chung cho mục tiêu và cho từng bộ phận phòng ban, đơn vị tại cơ sở.

-  Phát động và duy trì phong trào PCCC trong cán bộ công nhân viên mục tiêu.

-  Xây dựng quy chế thưởng phạt trong việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở.

2.  Tuyên truyền giáo dục cán bộ, công nhân viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác PCCC.

-  Đề xuất, tham mưu cho người đứng đầu cơ sở xây dựng, ban hành nội quy, biển cấm lửa ở nơi cần thiết, đồng thời thông qua hệ thống tuyên truyền của cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên thông báo nhắc nhở công nhân viên nghiêm túc thực hiện.

-  Định kỳ tổ chức các buổi thảo luận giữa lực lượng bảo vệ và các nhân viên của các phòng ban, bộ phận công ty là đội viện Đội PCCC cơ sở về các chuyên đề đảm bảo công tác an toàn PCCC.

-  Nội dung tuyên truyền tập trung giáo dục và nâng cao ý thức về PCCC, hướng dẫn các kỹ năng, kiến thức PCCC.

-  Thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở công nhân viên những nơi, vị trí có nguy cơ tìm ẩn xảy ra sự cố cháy, nổ để lưu ý, đề phòng.

3.  Kiểm tra phát hiện sơ hở thiếu sót, đề xuất biện pháp khắc phục.

-  Hằng ngày, lực lượng bảo vệ thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định PCCC của công nhân viên tại các bộ phận, khu vực mà nơi đó có nguy cơ tìm ẩn xảy ra sự cố cháy, nổ.

-  Thông qua tuần tra bảo vệ mục tiêu cần kết hợp công tác kiểm tra PCCC (chế độ thường xuyên), đặc biệt lưu ý về ban đêm và các ngày nghỉ, lễ, tết.

-  Đề xuất xử lý những trường hợp cố tình vi phạm quy định an toàn về PCCC, hình thức xử lý theo quy chế đã ban hành và thông báo đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong công ty để rút kinh nghiệm chung.

4.  Đề xuất tổ chức lực lượng PCCC tại chỗ.

-  Đề xuất lực lượng bảo vệ là lực lượng nồng cốt, thường trực của Đội PCCC cơ sở tại địa điểm bảo vệ. Đội trưởng, đội phó Đội PCCC cơ sở phải phân bổ luân phiên bố trí trong mỗi ca trực để kịp thời chỉ huy đội viên Đội PCCC cơ sở làm tốt công tác thường trực chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

-  Nhiệm vụ thường trực của lực lượng bảo vệ tham gia Đội PCCC cơ sở phải thể hiện cả hai mặt tổ chức công tác là phòng ngừa và chữa cháy.

-  Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC.

-  Phân công nhiệm vụ rõ rang, cụ thể cho từng đội viên Đội PCCC cơ sở ở từng bộ phận trong mục tiêu bảo vệ.

-  Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đội viên Đội PCCC cơ sở làm tốt công tác PCCC, luôn trong tư thế thường trực sẵn sàng ứng phó sự cố cháy, nổ xảy ra tại mục tiêu bảo vệ.

-  Định kỳ nghiên cứu phương án chữa cháy, tổ chức thực tập các tình huống cháy, nổ đã được giả định trong phương án chữa cháy, đặc biệt phải chú trọng đến các tình huống giả định cháy, nổ phức tạp để tránh lúng túng, bị động trong trường hợp tình huống giả định xảy ra thực tế.

-  Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho từng đội viên Đội PCCC cơ sở.

-  Làm tốt công tác phối hợp giữa lực lượng bảo vệ tham gia Đội PCCC cơ sở và lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp (Cảnh sát PCCC và CNCH) để triển khai nhịp nhàng, đồng bộ giữa phương tiện, hệ thống chữa cháy tại chỗ và phương tiện chữa cháy cơ giới, di động (xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy).

-  Cảnh giác đề phòng kẻ gian gây cháy giả thu hút lực lượng bảo vệ tạo sơ hở chỗ khác để chúng đột nhập gây án với mức độ thiệt hại nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp này lực lượng bảo vệ phải phân tích dữ liệu báo về trung tâm báo cháy để xác định khu vực xảy ra cháy, khẩn trương phân công nhiệm vụ cho mục tiêu bảo vệ gần khu vực xảy ra cháy để kiểm tra, xác thực thông tin trước khi báo động cháy cho toàn bộ các khu vực.

5.  Đề xuất trang bị phương tiện, nguồn nước chữa cháy và bảo quản tốt trang thiết bị PCCC.

- Phối hợp chặt chẽ với bộ phận bảo trì, bảo dưỡng phương tiện, hệ thống PCCC để kịp thời phát hiện, sửa chữa các phương tiện, hệ thống PCCC hư hỏng, mất tác dụng.

- Chủ động đề xuất các biện pháp khắc phục các tồn tại, thiếu sót liên quan đến phương tiện, hệ thống PCCC do đoàn kiểm tra của cơ quan Cảnh sát PCCC địa phương chỉ ra trong các đợt kiểm tra an toàn PCCC định kỳ hằng năm.

6. Khi xảy ra sự cố cháy, nổ lực lượng bảo vệ phải triển khai thực hiện những nội dung công việc sau:

- Phối hợp với các đội viên Đội PCCC cơ sở vận dụng tối đa phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; vật tư và hậu cần tại chỗ).

- Thực hiện nghiêm các quy trình cứu chữa vụ cháy theo nội quy PCCC của công ty đã được phổ biến và niêm yết.

- Ưu tiên cứu người trước, cứu tài sản sau. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đội viên Đội PCCC cơ sở khi tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Phân công lực lượng cảnh giới đề phòng kẻ gian và các phần tử xấu lợi dụng chữa cháy để trộm cắp, tẩu tán tài sản công ty.

- Đội trưởng đội PCCC cơ sở hoặc đội viên là lực lượng bảo vệ tham gia chữa cháy ban đầu đối với vụ cháy phải kịp thời báo cáo, bàn giao quyền chỉ huy chữa cháy khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến, phải báo cáo cụ thể chi tiết các khu vực nguy hiểm cháy, nổ đã được giả định trong phương án chữa cháy để chỉ huy chữa cháy biết, triển khai chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu quả.

- Sau khi hoàn tất công tác chữa cháy phải khẩn trương tổ chức bảo vệ hiện trường, thu nhập thông tin ban đầu về vụ cháy giúp cơ quan công an nhanh chóng điều tra làm rõ nguyên nhân cháy.