Không ít các ngôi nhà Việt có vẻ ngoài rất đẹp, không gian rất sang trọng, hiện đại, nhưng lại vướng mắc những lỗi thiết kế và lắp đặt thiết bị không đáng có. Cùng Nội Thất Không Gian điểm danh các lỗi thiết kế nhà ở gây khó chịu khi sinh hoạt trong bài viết dưới đây để phòng tránh ngay từ đầu.
1. Thiết kế bồn rửa tay (lavabo) quá sâu
Bồn rửa tay (lavabo) là khu vực cần sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt. Bồn rửa tay thường được lắp đặt ở vị trí chính giữa mặt bàn. Tuy nhiên, nếu thiết kế bồn rửa tay quá sâu, người dùng khi sử dụng gần như sẽ phải ngả toàn bộ người về phía trước. Điều này không những gây chấn thương vùng cơ lưng (đối với những người già, người có bệnh lý nền), mà còn có thể gây ướt vạt áo, quần mỗi khi sử dụng.
Không nên thiết kế bồn rửa tay quá sâu để tránh bất tiện trong sinh hoạt (ảnh minh họa)
2. Thiết kế bậc (gờ) giữa sân nhà
Thông thường, sân nhà được hiểu là một khoảng không gian bằng phẳng, có thể là nơi để cả gia đình vui chơi và thư giãn. Tuy nhiên, vì một số lý do, nhiều hộ gia đình (đặc biệt là các hộ gia đình ở quê có khoảng sân rộng) vẫn thiết kế các gờ, bậc (dù rất nhỏ), để ngăn chia các phần sân nhà. Điều này khá nguy hiểm đối với những gia đình có người già hoặc trẻ nhỏ. Vừa gây bất tiện khi di chuyển, vừa có khả năng gây thương tích hoặc tai nạn trong những tình huống thiếu sáng.
Thiết kế sân, vườn nhiều gờ, bậc, có thể gây bất tiện và nguy hiểm khi di chuyển (ảnh minh họa)
3. Sử dụng chậu rửa bát quá to
Chậu rửa bát to đương nhiên rất có lợi đối với những gia đình đông người hoặc gia đình đa thế hệ. Tuy nhiên, sử dụng chậu rửa bát quá to sẽ vô cùng bất lợi mỗi khi cần… rửa bát. Bởi gia chủ sẽ cần cúi sâu và nhoài toàn thân trên về phía trước để bát đĩa đón được lực chảy của nước. Về lâu dài, điều này sẽ gây ra các chấn thương vùng lưng từ mức độ nhẹ nhàng đến mức độ nặng, rất khó để chữa khỏi hoàn toàn.
Sử dụng chậu rửa bát quá to có thể bất tiện và mệt mỏi cho gia chủ (ảnh minh họa)
4. Thiết kế vị trí ổ cắm, công tắc điện
Trước khi thiết kế và xây dựng, gia chủ nên dựa trên nhu cầu sử dụng và sinh hoạt hàng ngày của gia đình mình để thiết kế vị trí ổ cắm, công tắc điện một cách hợp lý nhất. Ví dụ: nên đặt ổ cắm, công tắc điện ở vị trí gần đầu giường để tiện lợi cho việc bật, tắt điện. Hoặc, công tắc điện nhà vệ sinh nên đặt trong phòng thay vì ngoài phòng, khu vực cầu thang nên có công tắc ở cả trên lầu và dưới lầu. Nếu phòng có nhiều lối vào, gia chủ cũng nên thiết kế thêm các công tắc điện để có thể bật, tắt điện dễ dàng nhất.
Nên thiết kế ổ cắm, công tắc điện dựa trên thói quen sinh hoạt của cả gia đình (ảnh minh họa)
5. Lỗ thoát nước trong phòng tắm không dốc
Đây là chi tiết nhỏ và thường dễ bị bỏ qua nếu gia chủ không phải là người quá kỹ tính. Tuy nhiên hãy thử tưởng tượng điều này ảnh hưởng đến việc sinh hoạt hàng ngày thế nào. Lỗi thiết kế này sẽ khiến phòng tắm xảy ra tình trạng ngập ứ, không thoát kịp nước, thậm chí là tắc nghẽn xảy ra thường xuyên. Chính vì vậy, khi thiết kế phòng tắm, gia chủ nên lưu ý chi tiết này để tránh bất tiện khi sử dụng.
Gia chủ nên chú ý thiết kế lỗ thoát nước trong phòng tắm có độ dốc nhất định để không gây tình trạng ngập ý, tắc nghẽn thoát nước (ảnh minh họa)
6. Thiết kế phòng vệ sinh ở gần không gian sinh hoạt chung
Phòng vệ sinh là khu vực chức năng nên được thiết kế ở vị trí khuất tầm nhìn để đảm bảo sự riêng tư và thoải mái cho người sử dụng. Không nên thiết kế nhà vệ sinh ở những khu vực thường xuyên có người qua lại, hoặc thiết kế nhà vệ sinh gần khu vực bếp ăn, nấu nướng. Đương nhiên, với những nhà diện tích nhỏ, việc thiết kế nhà vệ sinh cũng cần cân nhắc dựa trên diện tích thực tế, khó để đảm bảo toàn diện được những yêu cầu trên.
Nếu không bất đắc dĩ, không nên thiết kế phòng vệ sinh quá gần những không gian sinh hoạt chung, hoặc khu vực thường xuyên có người qua lại (ảnh minh họa)
Trên đây là một số lỗi thiết kế nhà ở gây bất tiện trong sinh hoạt, các gia chủ Việt có thể tham khảo và chủ động phòng tránh trước khi bắt tay thiết kế và xây dựng căn nhà của gia đình.
Bài viết: Phương Thảo